3 Xu Hướng Digital Marketing đỉnh cao trong năm 2021

Những khái niệm này chắc hẳn đã xuất hiện nhan nhản trên các trang tin tức online. Thế nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự hiểu và áp dụng triệt để được trong digital marketing? Hãy cùng AIM tìm hiểu bản chất của 3 trong số những xu hướng quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp nào xác định digital là cốt lõi trong hoạt động marketing đều nên triển khai.

1. Programmatic Advertising

Programmatic advertising là một trong những cụm từ được giới marketing đang bàn tán xôn xao những năm gần đây. Năm 2019 được dự báo sẽ bùng nổ với 2/3 quảng cáo hiển thị được mua bán tự động. Muốn bứt phá, các thương hiệu dự định đầu tư ngân sách nhiều hơn cho digital advertising và media agency tuyệt đối không nên bỏ qua công nghệ quảng cáo này.

Programmatic advertising thực chất là gì?

Programmatic là công nghệ sử dụng máy móc để tự động đấu thầu và đặt chỗ để mua quảng cáo mà không hề có sự can thiệp trực tiếp của con người. Các Ad Network, Ad Exchange, SSP, DSP chính là các hệ thống làm việc này. Programmatic advertising chính là một thành phần của Display Advertising.

Ví dụ, bạn là một Advertiser muốn đặt display ads rải rác trên các báo điện tử như Kênh 14, Vnexpress, Yan,…, bạn chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và thiết lập lệnh mua quảng cáo, những việc còn lại hệ thống sẽ tự động làm. Điều này tiết kiệm cho bạn kha khá thời gian, công sức dành để liên hệ với từng bên.

Programmatic bao gồm 2 phương thức mua quảng cáo:

  • Direct programmatic: cũng là mua quảng cáo tự động nhưng các inventory (các vị trí quảng cáo còn trống) đã được định sẵn giá. Nó tương tự như cách mua truyền thống nhưng chỉ là không có sự tham gia của con người.
  • Real time bidding (RTB): là hình thức đấu giá quảng cáo dựa trên thời gian thực với các quảng cáo được đặt ngẫu nhiên trên sàn đấu giá trực tuyến. Các giao dịch giữa người bán và người mua diễn ra trong vòng khoảng 200 milli-giây thời gian tải trang, trên thời gian sử dụng thật của người dùng.

Tại sao nên ứng dụng programmatic advertising?

  • Relevance (Sự phù hợp): Người tiêu dùng chỉ đọc những thứ phù hợp với mình. Với programmatic advertising, quảng cáo hiển thị giờ đây có thể đưa nội dung phù hợp tới đúng đối tượng nhờ hệ thống tự động phân tích dữ liệu người dùng (nhân khẩu học, hành vi trên digital,…).
  • Efficiency (Sự hiệu quả): Thay vì phải cất công deal trực tiếp với publisher, ứng dụng programmatic advertising có thể giúp tự động hóa quá trình này, giúp tiết kiệm, chính xác và hiệu quả hơn.

2. Marketing Automation

Bạn không biết vì sao khách hàng truy cập vào cửa hàng online của bạn nhưng không mua hàng? Khách hàng cũ đã lâu không quay lại mua mà bạn cũng không hề hay biết? Vậy thì đích thị là bạn đang cần marketing automation.

Khách hàng vào website mà không mua hàng ư? Marketing automation sẽ giúp bạn ‘bám đuôi’ khách hàng, tìm ra hành vi, sở thích của họ góp phần đem lại insight, giúp cải thiện sản phẩm và cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Với khách hàng cũ, marketing automation sẽ cho bạn biết họ đã mua những gì? Tại sao lại mua? Thói quen mua hàng của họ là gì? Từ đó, giúp đưa ra những chính sách ưu đãi thúc đẩy họ tiếp tục mua hàng và giới thiệu cho bạn bè.

Marketing automation thực chất chính là việc tự động hóa trong quy trình marketing của doanh nghiệp. Tất nhiên, nó không đơn thuần là việc sử dụng các công cụ tự động một cách vô tội vạ. Hệ thống này cho phép marketer tiếp cận và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng trong nhiều giai đoạn mua hàng khác nhau. Thêm vào đó, Marketing Automation còn có khả năng tích hợp CRM, quản trị leads và tự động hóa báo cáo đánh giá các hoạt động Marketing. Qua đó doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh doanh thu.

Đơn giản như thế này, bạn đang muốn mua sách nuôi dạy con. Sau khi google, vào các trang thương mại điện tử, nhưng bạn vẫn chưa tìm được quyển nào ưng ý. Ngày hôm sau bạn nhận được email từ Tiki “10 đầu sách nuôi dạy con hay trong tháng”, bạn click vào link, đọc review, và quyết định cho một vài cuốn vào giỏ hàng nhưng chưa thanh toán. Những ngày tiếp theo bạn liên tục thấy các display ads cho những cuốn mà bạn định mua. 3 ngày sau bạn tiếp tục nhận được email từ Tiki hỏi nhẹ nhàng “Giỏ hàng của bạn hiện có ABC, bạn có muốn thanh toán?” và kèm theo là một voucher mua hàng “Sử dụng mã XYZ để nhận ngay 10% discount khi mua sách trong vòng 24 tiếng”. Bạn khó có thể từ chối lời đề nghị hấp dẫn này.

Hiện tại, marketing automation đang ứng dụng mạnh mẽ trong các mảng Digital Advertising, Email Marketing, SMS Marketing, Social Marketing, Reporting, Web Experience và Customer Service. Công nghệ này cũng đặc biệt hữu dụng cho các công ty làm dịch vụ, kinh doanh bất động sản,… – những ngành cần tìm hiểu kỹ càng khách hàng và tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng tiềm năng trước khi mua hàng.

Marketing automation ‘thần thánh’ là vậy nhưng bản chất nó chỉ là một hệ thống hỗ trợ, hoạt động marketing trong doanh nghiệp vẫn cần sự tham gia của con người. Thêm vào đó, với khoản chi phí không nhỏ, bạn chỉ nên đầu tư vào marketing automation khi có đủ data khách hàng mà thôi.

3. Omni channel

Trong thời đại mà khách hàng có hàng ngàn thương hiệu ‘bủa vây’ thì việc cạnh tranh bằng trải nghiệm của khách hàng trở thành điều bắt buộc. Omni channel ra đời chính là để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như thương mại điện tử, các doanh nghiệp càng cần hiểu sâu về omni channel để ứng dụng trong kinh doanh.

Tại Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp tiên phong đã bắt kịp với công nghệ mới này. Điển hình là Vinamilk vươn lên dẫn đầu trong hoạt động bán hàng online khi để thua TH true milk tận 2 năm. Hay Juno bán được 5000 sản phẩm trong dịp Black Friday. Omni channel một trong những giải pháp giúp họ thành công.

Omni channel (Tiếp thị đa kênh) không chỉ là bán hàng trên nhiều kênh mà còn cần sự kết nối giữa các kênh với nhau giúp cho quá trình mua hàng của khách hàng được diễn ra tiện lợi nhất. Khách hàng có thể bắt đầu mua sắm trong một kênh, nhanh chóng di chuyển đến một kênh khác và kết thúc ở một kênh khác nữa.

Giả sử, buổi sáng bạn muốn mua một đôi giày mới, bạn lập tức lên mạng tìm kiếm sau đó đi đến một cửa hàng để thử và mua. Tại cửa hàng, đôi giày bạn muốn mua đã hết hàng. Nhân viên bán hàng lưu lại số điện thoại của bạn và hẹn khi nào có hàng sẽ thông báo. Tới buổi tối, bạn nhận được tin nhắn SMS từ cửa hàng rằng hàng sẽ về trong 3 ngày nữa, bạn có thể đặt trước online từ hôm nay kèm theo đường link website. Bạn vào website, chọn sản phẩm cho vào giỏ hàng. Tuy nhiên, trong lúc đó điện thoại của bạn hết pin. Bạn nghĩ “Thôi, đặt hàng sau cũng được”. Vào buổi tối, khi đang lướt Facebook trên laptop, bạn nhìn thấy một quảng cáo đẹp lung linh của chính đôi giày mà bạn định mua ban sáng. Bạn liền click vào quảng cáo tới website của cửa hàng và khám phá ra đôi giày bạn đã chọn vẫn còn trong giỏ hàng của mình. Không ngần ngại, bạn click để đặt hàng ngay.

Bạn thấy đấy, những công ty bán hàng đa kênh (Facebook, Zalo,…) hay sở hữu những chuỗi cửa hàng sẽ không còn đau đầu với việc đồng bộ hóa dữ liệu bán hàng nhờ omni channel. Omni channel là giải pháp tuyệt vời đem lại cho khách hàng cảm giác mình được phục vụ chu đáo vì có thể mua hàng ở bất kì đâu.

Mục nhập này đã được đăng trong Blog. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *